Tranh Đông Hồ lấp lánh bản sắc Việt.
Nói đến Bắc Ninh là nói tới vùng đất cổ kính có bề dày truyền thống văn hóa với bao giá trị vật chất và tinh thần đã trở thành di sản của cộng đồng. Tranh Dân gian Đông Hồ là một ví dụ. Qua bao thăng trầm thời cuộc và những chìm nổi của nghề, đến hôm nay, dòng tranh độc nhất vô nhị này vẫn khẳng định và phát huy giá trị trường tồn của mình, cũng như phản ánh sức lao động sáng tạo nghệ thuật của con người tài hoa trên vùng Kinh Bắc.
Từ rất lâu rồi, người trong vùng cũng như trong cả nước vẫn gọi nơi sản sinh ra những tờ tranh điệp đã đi vào ký ức nhớ nhung thổn thức trong lòng bao người bằng cái tên Đông Hồ, Đông Mại, hay làng Mái. Dẫu hiện tại, làng được mang tên Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành.
Vào mỗi dịp xuân đến Tết về, nhà nhà đều muốn có vài tờ tranh làng Hồ để treo trên tường chơi Tết. Mà tranh làng Hồ thì được sản xuất nhiều lắm. Câu ca xưa nhắc rằng: Dù ai buôn bán trăm nghề – Nhớ đến tháng Chạp thì về mua tranh… để mọi người cùng rủ nhau về làng Hồ mua tranh chơi ngày Tết.
Về với làng Đông Hồ bên dòng sông Đuống khi tiết trời chuẩn bị sang thu, vượt qua cây cầu Hồ thênh thang rộng đường xe chạy, ta sẽ tới được nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Trên sân nhà ông phủ kín những bản giấy dó vừa được quét điệp đang hong khô trong nắng gió chớm giao mùa. Vẫn cặm cụi, lặng lẽ như thế, ông cùng người vợ già, những cô con gái, con dâu đang miệt mài với công việc của những người thợ làng tranh. Dường như, thế giới náo nức ngoài kia không mấy tác động lên khoảng lặng của những tâm hồn đang dồn vào những đường nét, màu sắc, để lên tranh.

Câu chuyện về một làng tranh đặc sắc và độc nhất của Bắc Ninh giờ lại sống dậy qua lời kể đầy say mê của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Sự say mê cũng như trân trọng nghề ở ông như truyền lửa cho những lớp hậu sinh đang lần tìm về cội.
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Đây không phải là những bức tranh được vẽ theo cảm hứng, mà được in lại qua những bản khắc. Nhưng để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao.
Tranh Đông Hồ được phân thành 5 loại chính gồm: Tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh truyện. Khác với các dòng tranh dân gian Việt Nam khác như tranh Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)…, tranh Đông Hồ nổi bật nhờ gắn liền với làng quê thôn xóm, với đời sống bình dị của người dân nông thôn, rất gần gũi với cộng đồng người dân Việt… Điều này thể hiện ngay từ chất liệu giấy làm tranh. Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng. Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò, điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên cũng được gọi là giấy Điệp.

Người làng Hồ đã biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi vừa có độ bền màu, như màu xanh da trời được chiết suất từ gỉ đồng; màu chàm được chiết suất từ lá cây Chàm; màu đỏ thắm từ vỏ cây Vang; màu đỏ son từ đá sỏi khai thác trên núi; màu vàng từ hoa Hòe hay rơm nếp; màu đen từ tro Xoan hay tro lá cây Tre; màu trắng ngà óng ánh sáng điệp là do bởi chất điệp được chế biến từ vỏ ốc hay vỏ sò của vùng biển Quảng Ninh… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn và mỗi màu tương ứng với một bản khắc gỗ nên thường tranh Đông Hồ chỉ giới hạn ở bốn màu.

Dẫu hiện tại, làng tranh dân gian Đông Hồ không còn nhiều nhà làm tranh, nhưng nhờ lòng yêu nghề của các nghệ nhân; trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam.. mà nghề làm tranh Đông Hồ đã được khôi phục với sắc diện và sinh khí mới. Trong nỗ lực làm sống lại nghề tranh Đông Hồ, ông Chế đã vận động con cháu đóng góp xây dựng “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” rộng đến 5.500m². Trung tâm đã tạo ra được một không gian văn hóa độc đáo, trở thành địa chỉ không thể thiếu đối với các tour du lịch làng nghề. Mỗi năm trung tâm đón hàng chục nghìn lượt khách cả trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu và mua sản phẩm. Một trong những điều làm khách du lịch vô cùng thích thú là được hướng dẫn để tự tay làm ra sản phẩm tranh Đông Hồ. Cùng với đó, nghề tranh vẫn sống, vẫn vượt qua những cơn bĩ cực bằng chính tâm hồn, tình cảm, và sự trân trọng nghệ thuật truyền thống.
Theo Tạp Chí Hoa Sen.
>>>Nón lá biểu tượng đặc sắc của người Việt.
[…] >>>Tranh Đông Hồ lấp lánh bản sắc Việt. […]