Biết người đừng nói quá rõ, trách người đừng trách tới cùng
Lão Tử nói: “tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí. Bất thất kì sở giả cửu, tử nhi bất vong giả thọ.”
Nghĩa là người có thể hiểu người khác là có trí huệ, người có thể hiểu được bản thân mình là cao minh. Người có thể chiến thắng kẻ khác là người có sức mạnh, người có thể chiến thắng được chính mình mới là kẻ mạnh chân chính. Người biết đủ mà không ngông cuồng là người giàu có, người nỗ lực phấn đấu mà không cẩu thả là người có chí khí. Người nói lời mà không rời xa quy luật của đạo lý mới có thể sống trường cửu. Người thân thể tuy chết mà tinh thần vẫn còn tồn tại trên thế gian mới là người sống thọ chân chính.
Biết cách nhìn sau lưng người khác là người trí, quen thói nhìn từ sau lưng người khác là tiểu nhân. Nhìn thấy rõ một con người, trong lòng nắm rõ là được, không nhất thiết phải nói rõ ra làm gì.
“Nhìn rõ ràng” và “nhìn thấu đáo” là một loại năng lực, “không nhìn thấu đáo” lại là một loại trí tuệ.
“Nhìn rõ ràng” và “nhìn thấu đáo” có thể giúp chúng ta sống càng thêm lý trí. “Không nhìn thấu đáo” lại có thể giúp chúng ta sống càng thêm vui vẻ và yên bình.
Một người bỏ qua sự nghi ngờ lẫn nhau trên thế giới này, khó khăn hiểm trở đều nhìn thấy rõ ràng, nhìn thấy đáo rồi mà vẫn có thể tràn đầy nhiệt tình và kỳ vọng đối với cuộc sống và tương lại, tràn đầy tâm tiến thủ tích cực, có thể nói là người đó đã tu luyện đến cảnh giới “không nhìn thấu” rồi.
Chúng ta không ngại mở một con mắt ra nhìn thế giới, nhắm một con mắt lại làm trí nhân.
Trí tuệ và thông minh cách nhau chỉ một bước chân, biết rõ nhân tình thế thái nhưng không nhìn thấu đáo, đó mới là một người trí tuệ.
Miệng là chiếc rìu làm tổn thương người, lời nói là con dao cắt lưỡi, xuất ngôn phải biết cân nhắc, lời nói đùa cũng có mức độ.
Biết người cũng không nhất thiết phải nói hết lời, hãy giữ lại một chút khẩu đức; trách người cũng không nên trách tới cùng, hãy giữ lại một chút độ lượng. Có lý không nhất thiết tranh cãi tới cùng, hãy giữ lại một chút khoan dung; việc gì cũng không nhất thiết phải làm tới cùng, hãy giữ lại một chút đạo đức.
Miệng không được tùy tâm, hãy luôn giữ mức độ; dục không được tùy tính, phải biết cách tiết chế.
Sự náo động của trần thế, đều là vì nhân tâm; sự nóng nảy của thế gian, đều là vì lời nói. Mắt giống như một thước đo, muốn đo người trước hết hãy đo thước; muốn tâm là một chiếc cân, cân người trước tiên hãy cân chính mình.
Lời ác nói ra có thể không đủ để mất mạng nhưng thất đức, cái ác lớn nhất của lời nói là vu khống.
Vương Dương Minh nói: “học tu phản kỉ, nhược đồ trách nhân, chỉ kiến đắc nhân bất thị, bất kiến tự kỉ phi. Nhược năng phản kỉ, phương kiến tự kỉ hữu hứa đa vị tận sở, hề hạ trách nhân?”
Học vấn nhất định phải thực hiện đến tự mình sửa chữa bản thân mình, nếu như chỉ biết khiển trách người khác thì sẽ chỉ nhìn được cái sai lầm của của người khác mà không nhìn thấy được cái sai lầm của mình.
Nhìn người khác như nhìn chính mình, trách người khách trước hết tự hỏi lòng. Người khác như tấm gương một mặt trong tâm mình, người trên thế gian là sự đối chiếu với chính mình.
Theo yichan360,
Phan Tiến biên dịch.
Gửi phản hồi